Kiến trúc đương đại, đi cùng với kỹ thuật cấp tiến và môi trường tư tưởng tự do, phóng khoáng, các đồ án kiến trúc xuất hiện với nhiều giá trị khác nhau. Giữa sự đa dạng đó, những đồ án kiến trúc với mục tiêu chủ yếu là gợi nhắc những hình tượng cụ thể của vùng đất hay một con người, rõ ràng luôn có chỗ đứng nhất định. Bởi lẽ những hình ảnh rõ ràng luôn dễ dàng tiếp cận với đại đa số mọi người. Vậy ngoài những hình khối ấn tượng liệu còn gì nữa có thể làm nên một đồ án thú vị?
Những đồ án của OMA đã cho mình câu trả lời và mở rộng hiểu biết về cách tiếp cận một đồ án. Với các đồ án của OMA, nội dung công trình không còn là mảnh đất khô cằn và cứng nhắc khiến cho những ý tưởng chỉ có thể nảy nở ở tạo hình bề ngoài. OMA hay cụ thể là Rem Koolhaas song song với Bernard Tschumi đã vẽ nên ‘lằn ranh’ giữa kiến trúc đương đại và kiến trúc hậu hiện đại-kiến trúc hiện đại, khi tách bạch chương trình (programme) ra khỏi công năng (function) khiến cho nội dung của một đồ án kiến trúc mở rộng ra khỏi nghĩa công năng cứng nhắc. Ý tưởng thú vị trong các đồ án của OMA nảy nở từ việc sắp xếp lại mối quan hệ của các hoạt động diễn ra trong công trình song song với đó định hình các không gian chưa từng có, chứa đựng và đảm bảo chương trình bên trong hoạt động một cách hiệu quả. Bởi vậy các công trình của OMA đều mang dấu ấn riêng có và như ‘tấm bằng sáng chế’ trong thế giới hiện đại.
Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết dưới đây, người viết nêu ra trường hợp cuộc thi thiết kế Parc de la Villette. Với đề bài đòi hỏi một cách tiếp cận mới và cũng thông qua cuộc thi này Bernard Tschumi cũng như Rem Koolhaas đã áp dụng vào thực tế các nghiên cứu về việc nhìn nhận lại vai trò của chương trình (Programme) trong kiến trúc.
Đề bài của đồ án Parc de la Villette yêu cầu tạo nên công viên thuộc về thế kỷ 21, Một công viên sáng tạo có thể đáp ứng được các hoạt động thực tế của đô thị hôm nay và cả ngày mai.
Rõ ràng đề bài của Parc de la Villette đòi hỏi một cách tiếp cận phi truyền thống, không chỉ gói gọn vấn đề trong xử lý cảnh quan mà còn phải đưa ra giải pháp cho các hoạt động dày đặc ở quy mô đô thị hiện tại và cả tương lai. 1
Trước các yêu cầu đó, Rem Koolhaas đã tiếp cận đồ án bằng một chiến lược về chương trình được đặt tên social condenser.
Với social condenser, Rem Koolhaas đã tái định nghĩa chương trình, mở rộng phạm vi thiết lập các hoạt động diễn ra trong công trình, từ chỗ có kế hoạch trước và rõ ràng trong hiện tại sang bao hàm cả các sự kiện chưa từng có trước đây (unprecedented events). Cụ thể, theo ông mô tả, social condenser là một “lớp chương trình phủ lên một vùng đất trống nhằm thúc đẩy các hoạt động và dựa trên sự giao thoa của chúng kiến tạo nên các sự kiện chưa từng có (unprecedented events)
2. Hay cụ thể hơn, social condenser, chính là “tổ chức (orchestrate) các hoạt động năng động bậc nhất diễn ra trên một vùng đất giữa đô thị (metropolitan) và thông qua sự giao thoa giữa chúng để tạo nên một chuỗi các hoạt động mới, các sự kiện chưa từng có.”3
Với chương trình hoạt động linh hoạt như vậy, Rem Koolhaas phải suy tính đến một hình thức đủ khả năng đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường, đồng thời không bị phá vỡ khi các hoạt động bên trong thay đổi và gia tăng theo thời gian. Trên thực tế, Rem Koolhaas đã đề xuất các dải (strip) chức năng cho Parc de la Villette với “các ‘đường biên’ dài tối đa giữa các dải chức năng, cho phép hoạt động giữa các dải được ‘thẩm thấu’(permeability) với nhau một cách tối đa tạo điều kiện tốt nhất cho sự giao thoa của các hoạt động từ đó khuyến khích các hoạt động mới, biến đổi mới (programmatic mutations) xảy ra.”4
Hình thức không gian này (strip & void) đã được Rem Koolhaas đặt vấn đề lần đầu thông qua bài nghiên cứu học thuật ở AA5 vào năm 1971. Đối tượng chính của bài nghiên cứu này là bức tường Berlin như là một dải liên tục của không gian trống trong đô thị- vùng đất không thuộc về ai (no man’s land). Ông định nghĩa không gian mà bức tường tạo ra “không phải là một vật thể (object) mà là một sự xóa bỏ trong đô thị, một sự trống vắng mới được tạo ra”6, thông qua đó, ông khẳng định rằng sự trống rỗng (nothingness) “có khả năng ‘hoạt động’ hiệu quả, tinh tế và linh hoạt hơn bất kỳ đối tượng nào chúng ta có thể tưởng tượng ra. Đây là một lời cảnh báo rằng trong kiến trúc, phi hiện hữu luôn luôn chiến thắng sự hiện hữu” 7. Quan sát và suy luận về khả năng hoạt động của dải không gian (strip of no man’s land) ở bức tường Berlin, Rem Koolhaas đã đưa ra kết luận mang tính tuyên ngôn “Ở đâu có sự trống rỗng, ở đó mọi thứ đều có thể diễn ra. Ở đâu có kiến trúc, thì không gì khác có thể diễn ra nữa”8. Những đúc kết từ bức tường Berlin có ảnh hưởng sâu đậm tới quan điểm trong các đồ án kế tiếp của OMA, như Fritz Neumeyer đã nhận xét “OMA khởi nguồn từ Berlin, chứ không phải New York.” 9 Ý tưởng của bức tường Berlin bao hàm cả dải (strip) và khoảng trống (void) đã được Rem Koolhaas thực nghiệm trong đồ án Exodus (1972) và Parc de la Villette (1983). Nếu như Exodus là một dải không gian (strip) tách biệt giữa thành phố London với khoảng trống (void) được thực nghiệm bằng chuỗi các chức năng có chọn lọc. Thì Parc de la Villette là các dải không gian (strip) được thiết kế tối đa hóa các hoạt động diễn ra bên trong và cho phép các hoạt động ‘thẩm thấu’ (Permeability) ra bên ngoài dải.
Các dải không gian trống rỗng là hình thức phù hợp để khuyến khích các hoạt động diễn ra tối đa. Điều này chỉ giải quyết một phần của vấn đề, bởi vì khác với bức tường Berlin và dải đô thị trong Exodus. Parc de la Villette là các dải hoạt động linh hoạt được bố trí trên một khu đất cố định-một cấu trúc không hề ‘linh hoạt’. Trường hợp của Parc de la Villette gợi đến mối quan hệ giữa một chương trình bất định (indeterminacy) được chứa đựng trong một kiến trúc xác định (specificity) hay cụ thể hơn là trường hợp của tòa nhà chọc trời được Rem Koolhaas đề cập trong cuốn sách Delirious New York, ở đó nội dung biến đổi linh hoạt nhưng không bao giờ phá vỡ lớp vỏ kiến trúc.
Về sự liên quan này, chính Rem Koolhaas cũng đã xác nhận rằng “các lớp [chức năng của la Villette] không khác gì với hình ảnh một tòa cao ốc với các tầng chồng chất có khả năng chứa đựng các hoạt động (programmatic events) khác nhau.”10
Có thể nói cách bố cục các dải (strip) chức năng song song với nhau phủ đều khắp khu đất với trục giao thông chính nối liền các dải là một sự áp dụng có hiệu quả nghiên cứu của Rem Koolhaas về nội dung bên trong và lớp vỏ bên ngoài. Về tổng thể, Parc de la Villette như một thành phố (các hoạt động diễn ra trong mỗi dải chức năng) trong một thành phố (các dải chức năng tương tác với nhau hoạt động thành một tổng thể).
Parc de la Villette là một cuộc thi thiết kế có ảnh hưởng tới kiến trúc thế giới, nổi bật trong đó là đồ án của Bernard Tschumi, Rem Koolhaas, và quan trọng hơn hết, thông qua cuộc thi này, các tư tưởng có ảnh hưởng đến kiến trúc đương đại từ hai tác phẩm Manhattan transcripts (Bernard Tschumi, 1981) và Delirious New York (Rem Koolhaas,1978) đã hiện diện phần nào trước thế giới thông qua đồ án Parc de la Villette.
Từ quá trình nghiên cứu xây dựng các quan điểm kiến trúc cho đến việc áp dụng chúng vào đồ án thực tế là một quá trình dài, đặc biệt với một đồ án lớn và có ảnh hưởng như Parc de la Villette, bởi vậy qua bài viết ngắn này, người viết không thể và cũng không mong nêu cặn kẽ về đồ án Parc de la Villette của Rem Koolhaas, mà chỉ xin nói về điều cơ bản nhất làm nên sự thú vị của đồ án này. Đó là các quan điểm và kết quả nghiên cứu về kiến trúc của KTS Rem Koolhaas, từ đó mở rộng thêm góc nhìn của bản thân về đồ án kiến trúc, không chỉ gói gọn trong hình thức (con thuyền, hoa sen, nón lá…) mà còn rộng hơn và sâu hơn là cả một chương trình (programme) và cách thiết lập chương trình nhằm giải quyết các vấn đề nội tại của đồ án và mối quan hệ dây chuyền của nó với cả khu vực rộng hơn (vùng, đô thị …).
Bài tiếp theo bàn về phát triển ý bám theo các hoạt động bên trong qua ví dụ từ hai công trình là CaixaForum Madrid và Elbphilharmonie của Herzog de Meuron. Subscribe (free) để khi có bài thì substack sẽ tự động thông báo ngay qua e-mail của bạn.
Reference:
1. Delirious New York- Rem Koolhaas
2. S,M,L,XL- Rem Koolhaas & Bruce Mau
3. Makers of modern architecture volume II-Martin Filler
4. Strategic way of design in Rem Koolhaas’s parc de la villette project-Ozay Ozkan
Program of the competition: entertainment facilities (7,500m2); cultural information center (300 m2); kiosks for small shows, games temporary exhibits (1200 m2); discovery workshops (7100m2); discovery gardens (20,500 m2); green houses (10,000 m2); children’s discovery spaces (11,200m2); space for permanent exhibits (3200 m2); theme gardens (30500 m2); outdoor ice-skating ring (1200 m2); playgrounds (60000m2); outdoor hard-surface sports facilities (10,000m2); children’s play areas (16000 m2); bathing/water elements (10250 m2); restaurants (5000m2); catering (3300m2); snack bars (2000m2); picnic areas (2750m2); reception zones (2200m2); day-care facilities (2500m2); urban services (500m2); shops (300m2); accessory (4200m2); fire, police, and technical services (1000m2); first aid (200m2); lavatories (200m2); parking (17800m2)
Rem Koolhaas. Content. Taschen,2004, p.73.
Rem Koolhaas and Bruce Mau. S,M,L,XL, New York: The Monacelli Press, 1998, p.921
Rem Koolhaas and Bruce Mau. S,M,L,XL, New York: The Monacelli Press, 1998, p.923
Architectural Association School of Architecture in the UK
Rem Koolhaas and Bruce Mau. S,M,L,XL, New York: The Monacelli Press, 1998, p.228
Rem Koolhaas and Bruce Mau. S,M,L,XL, New York: The Monacelli Press, 1998, p.199
Rem Koolhaas and Bruce Mau. S,M,L,XL, New York: The Monacelli Press, 1998, p.199
Fritz Neumeyer, “OMA’s Berlin: The Polemic Island in the City.”
Rem Koolhaas and Bruce Mau. S,M,L,XL, New York: The Monacelli Press, 1998, p.923.
mình nghĩ chữ unprecedented events nên dịch là sự kiện không thể tiên liệu hay không thể đoán trước thì đúng hơn. ngoài ra, điểm thú vị của đồ án này chắc nên được đọc trong sự phân lớp (cũng là điểm trùng hợp với đồ án của Tschumi) thì sẽ sâu sắc hơn.
một điểm nữa mình nghĩ đặt cách tiếp cận này (một đồ án cảnh quan-đô thị) trong tương quan với kiểu mô phỏng hình tượng ( kiến trúc) cũng không thuyết phục lắm. Nên chăng đặt nó trong mạch nguồn thiết kế cảnh quan đô thị từ truyền thống đến hiện đại ( ví dụ so sánh với những đồ án của andré le nôtre, hay thẩm mỹ picturesque trong vườn Anh, etc.) có lẽ sẽ có một điểm nhìn xuyên suốt rành mạch hơn?