Herzog & de Meuron ở CaixaForum Madrid và Elbphilharmonie
Mình nghĩ hai công trình Caixaforum Madrid và Elbphilharmonie Hamburg có thể xem là ví dụ tốt cho việc xây dựng đồ án bám theo các hoạt động bên trong. Các công trình của HdM đều có rất nhiều điểm hay để nói như ornament, monumental,... tuy nhiên trong phạm vi bài này, thông qua mô hình binh và mặt cắt của hai công trình trên, mình chỉ bàn về chuyện công trình sẽ trông như thế nào khi được thiết kế bám theo các hoạt động bên trong (programme).
Thực ra programme trong kiến trúc hiểu nôm na là lên chương trình các hoạt động diễn ra bên trong công trình. Đây là một khái niệm khó nắm bắt tường tận, mình có tìm hiểu và viết sơ về chủ đề này dưới góc nhìn khá lý thuyết trong bài về Parc de la Villette của Rem Koolhaas đã đăng trên Lab A. Và mình muốn viết một bài đơn giản hóa programme qua công trình thực tế để dễ hình dung. Phát triển đồ án từ các hoạt động bên trong thì sản phẩm sẽ trông như thế nào? Đó là câu hỏi mà mình nghĩ sau khi quan sát hai công trình trên của HdM thì sẽ trả lời được.
Một chút về việc phát triển đồ án từ bên trong, đây là cách diễn giải của mình cho việc thiết kế bám vào các hoạt động và bối cảnh tại chỗ của công trình. Nó trái ngược với việc tiếp cận đồ án từ bên ngoài, là cách binh bài bắt đầu từ cảm hứng ở các không gian khác và định hình bên ngoài trước để bám theo (cũng là cách mà ngày xưa sinh viên tụi mình hay làm).
Cả Caixaforum và Elbphilharmonie đều là công trình công cộng được thiết kế bởi HdM. Theo mình nghĩ, để tìm hiểu về phát triển ý từ bên trong thì nên xem HdM. Bởi vì có thể an tâm rằng không có một cảm hứng cá nhân nào có thể áp đặt văn phòng HdM để phát triển đồ án từ hình thức.
”There is nothing worse than such recourse to individual taste.” Jacques Herzog1
Cả hai công trình này đều có các chức năng bên trong khá đa dạng và phức tạp. Về CaixaForum Madrid thì đây là cơ sở thực hành văn hóa tại Madrid của La Caixa Foundation. Là nơi sẽ tổ chức các buổi triển lãm ngắn, và phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại trong bộ sưu tập của quỹ La Caixa, khán phòng, conservation workshop, các không gian công cộng khác như cafe, hiệu sách, nhà hàng. Còn về Elbphilharmonie thì đây là một công trình bao gồm một nhà hát giao hưởng, một khán phòng, chung cư và khách sạn cùng nhiều không gian phục vụ tương ứng, riêng với các không gian chính thì việc phân luồng giao thông ở Elbphilharmonie cũng đã là một nhiệm vụ phức tạp.
Kỳ thực thì với hiện trạng khu đất và các không gian chức năng như vậy, việc mường tượng ra một khối nhà ấn tượng và layout toàn bộ chức năng vào các mặt bằng theo hình khối ấy, cũng là việc khả thi. Đó cũng là một quan điểm, một cách thiết kế. Tuy nhiên hai công trình này được phát triển theo hướng ngược lại, bắt đầu từ việc mô hình hóa và suy tính đặt để các không gian bên trong, lưu chuyển giữa chúng, tiếp sau là lớp vỏ bao che cho các không gian chức năng này rồi mới đến các chi tiết trang trí, vật liệu,... Và cuối cùng, hình khối tổng thể là một kết quả của quá trình suy tính nêu trên.
Ví dụ từ việc bố trí các không gian ở CaixaForum Madrid. Các khối chức năng được tách thành phần trên mặt đất và dưới mặt đất. Phá bỏ các nhà cũ giáp đường, bỏ trống tầng trệt tạo thành một plaza lớn chạy từ đường Paseo del Prado vào trong công trình. Nếu bắt đầu bằng hình khối công trình và bố trí phòng vào từng mặt bằng thì rất khó để nhìn ra hướng xử lý như vậy. Ở đây là vấn đề về sắp đặt các không gian chức năng, và lưu chuyển giữa chúng. Sẽ dễ dàng tạo ra nhiều không gian thú vị và hiệu quả khi bắt đầu sắp xếp mô hình của từng khu chức năng bên trong và xem xét giao thông, lưu chuyển thông qua mặt cắt.
Về lí do tại sao CaixaForum Madrid và Elbphilharmonie lại là ví dụ cho việc tư duy thiết kế bắt đầu từ các không gian bên trong. Việc lựa chọn này khá cảm tính và bắt nguồn từ việc cả hai công trình đều xuất hiện khối nhà cũ, vốn chỉ vừa vặn cho các chức năng khiêm tốn hơn. Vẻ ngoài của công trình sau khi được thiết kế lại giống như hình ảnh của các khối chức năng mới phá vỡ từ bên trong và trào ra khỏi lớp vỏ cũ của một nhà máy điện ở Madrid và một kho cacao ở Hamburg. Thực ra người ta có thể đẩy các gallery xuống, giữ lại tầng trệt của nhà máy điện, phân bổ chức năng cho các khối nhà cũ giáp đường ở trường hợp Madrid hoặc xây một tòa tháp gắn với Kaispeicher A như các phương án cho Media city port hamburg , nhưng có vẻ đó không phải là cách tốt để con người có thể hoạt động thoải mái trong các công trình như vậy. Cá nhân mình cho rằng HdM không phải vẽ ra mà đã tìm ra vẻ ngoài cho các công trình thông qua việc bố trí kỹ lưỡng các không gian chức năng và giao thông kết nối chúng.
Thực ra ở hai công trình này, hình ảnh của khối nhà cũ đóng vai trò như ornament trên lớp vỏ công trình, hơn là một khối nhà cũ nguyên vẹn. Điều này cho một hình dung rõ về việc các không gian chức năng bên trong tăng lên nhiều lần và vượt ra khỏi lớp vỏ cũ của nó. Không gian chức năng và dòng lưu chuyển bên trong là trọng tâm trong thiết kế của công trình.
Video các bức tường bao của Kaispeicher A Hamburg được gia cố sau đó người ta bắt đầu tháo dỡ rồi xây lại kết cấu bên trong của Kaispeicher A.
Lớp vỏ là thứ đến sau, là vỏ bọc của các không gian chức năng được bố trí kỹ lưỡng ở bên trong. Lớp bên ngoài cũng là nơi HdM có thể mang các đặc điểm riêng của mình vào, như thêm yếu tố trang trí chẳng hạn.
”Later, as architects, we discovered the potential of decoration as a tool for the destruction of ‘valid’ form. Ornament has helped us overcome the obstacle of form.” -Jacques Herzog2
Nếu các công trình được thiết kế lấy các không gian bên trong và dòng lưu chuyển giữa chúng làm trọng tâm thì cũng là đang bám sát theo việc sử dụng chứ không phải thị hiếu bên ngoài. Tất nhiên, như vậy hẳn là hiệu quả sử dụng rồi, nhưng mình nghĩ điều này còn giúp công trình không bị lỗi thời. Caixaforum Madrid đã được vẽ cách đây 20 năm còn Elbphilharmonie vẽ năm 2003 và tận 14 năm sau mới khánh thành nhưng vẫn là biểu tượng tối tân của Hamburg tới tận bây giờ.
Cảm ơn đã dành thời gian.
Bài tiếp theo là về essay của Penelope Dean chủ đề program trong kiến trúc: “Program is as program does”, bài này đăng trong cuốn PRAXIS 8. Subscribe (free) để khi có bài thì substack sẽ tự động gửi bản đầu tiên ngay qua e-mail của bạn.
El Croquis 129-130 Herzog & de Meuron. Page 24
El Croquis 129-130 Herzog & de Meuron. Page 35