Đừng quên bóng tối
Năm 1879 bóng đèn dây tóc của Thomas Edison đã lần đầu tiên thắp sáng đường phố Manhattan, kể từ đó, các đô thị trên toàn cầu ngập tràn ánh sáng còn những tòa nhà thì rực rỡ hơn bao giờ hết. Ánh sáng đẩy lùi tội phạm, đảm bảo tầm nhìn về đêm, tốt cho thương mại và trở thành thước đo cho sự phát triển của các vùng đất. Những đô thị “phát sáng” như một minh chứng về tham vọng thống trị màn đêm của con người. Cư dân đô thị có một ngày dài hơn cùng với đó là sự phai nhạt của bầu trời đêm trong ký ức của thị dân hiện đại. Những quầng sáng (sky glow) trên bầu trời tại các siêu đô thị là hình ảnh của ô nhiễm ánh sáng (light pollution), chúng ngăn cách cư dân của thành phố với ánh sáng của mặt trăng và các ngôi sao. Đó cũng là một vấn đề đang được các nhà chức trách, nhà thiết kế chiếu sáng và nhiều tổ chức môi trường quan tâm. Con người đã đạt được nhiều thành tựu với ánh sáng nhân tạo, nhưng chúng ta đã hy sinh điều gì khi bỏ qua bóng tối? Mặc dù ánh sáng nhân tạo mang đến nguồn năng lượng mới, trẻ trung và lộng lẫy cho kiến trúc, nhưng bóng tối cũng đáng quý và cần được quan tâm.
Nỗi sợ bóng tối gần như thường trực trong nhận thức của con người. Hầu hết các tôn giáo cũng như văn hóa dân gian đều gắn liền bóng tối với cái ác và những điều xấu xa, đối lập với hình ảnh thần thánh của ánh sáng. Bản thân bóng tối không đáng sợ, những định kiến về bóng tối kỳ thực đều bắt nguồn từ việc bất an do không nhìn rõ trong vùng tối. Nỗi sợ bóng đêm của con người gắn với những thứ có thể ẩn nấp bên trong đó, như thú dữ hoặc tội phạm. Điều đó lý giải vì sao việc gia tăng chiếu sáng được xem là một trong những chiến lược trong bài toán trị an của các đô thị thời xưa, trong đó, thành phố Paris là một ví dụ nổi tiếng. Vào năm 1667, vua louis XIV của nước Pháp đã phong Gabriel Nicolas de la Reynie làm trung tướng cảnh sát và giao phó cho ông trách nhiệm giúp thành phố Paris trở nên an toàn hơn. Bên cạnh việc gia tăng số lượng cảnh sát trên khắp thành phố, Gabriel cũng gia tăng thêm ánh sáng trên toàn Paris. Lồng đèn được đặt ở hầu hết mọi tuyến đường chính và người dân được yêu cầu thắp nến hoặc đặt đèn dầu bên cửa sổ 1. Ý tưởng này nhằm ngăn chặn việc tội phạm né tránh cảnh sát và lẩn trốn trong các ngõ tối. Cách làm này có thể đúng với Paris và các đô thị vào thế kỷ 17 khi mà việc chiếu sáng toàn thành phố vẫn còn là điều mới mẻ. Nhưng trong trường hợp các thành phố ngày nay, với nhiều tuyến đường có hệ thống chiếu sáng đồng bộ, việc gia tăng thêm cường độ chiếu sáng không thay đổi tỉ lệ phạm tội. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 trên tập san khoa học Epidemiology and Community Health2 đã kết luận ánh sáng không làm giảm tai nạn hoặc tội phạm. Thông qua việc theo dõi số liệu va chạm giao thông và tỉ lệ phạm tội ở 62 địa phương của Anh và xứ Wales, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng ánh sáng không có tác động đến các con số này, cho dù nhà chức trách có giảm độ sáng, tắt hệ thống đèn một vài giờ nhất định hay thay thế chúng bằng những bóng LED công suất thấp. Có thể thấy việc gia tăng cường độ sáng hoặc lắp đặt đèn pha (floodlight) trên đường phố và trong khuôn viên các công trình, không tác động nhiều đến vấn đề trị an. Nhưng chiếu sáng nhiều hơn mức cần thiết lại gây lãng phí năng lượng và khiến mức độ ô nhiễm ánh sáng ở đô thị trở nên trầm trọng hơn. Thiết bị chiếu sáng, khi được thiết kế và lắp đặt sai cách có thể gây ra phản xạ mạnh trên nền trời khiến việc quan sát ánh trăng và các vì sao trở nên khó khăn. Đây cũng là hiện tượng đang diễn ra tại các đô thị lớn.
Việc thường xuyên sống trong một môi trường được chiếu sáng mạnh cũng khiến chúng ta quên đi mức độ nhạy cảm và thích ứng tự nhiên của đôi mắt. Theo tiến sĩ Thomas Schielke, một chuyên gia về thiết kế chiếu sáng, thì mắt người có thể thích ứng với những mức độ sáng cực kỳ khác nhau, từ ngắm nhìn hoàng hôn với ánh sáng mặt trời lên tới 100.000 lx (*) cho đến việc đi bộ dưới ánh trăng với ánh sáng chỉ 0,25lx. Ông cũng cho rằng ánh trăng hoàn toàn tỏ ra hiệu quả trong việc trợ giúp con người nhận diện vật thể và lối đi 3. Cho dù ánh sáng nhân tạo giúp chúng ta kéo dài thời gian làm việc trong ngày, cơ thể con người vẫn luôn cần bóng tối và những nguồn sáng êm dịu để có thể nghỉ ngơi, phục hồi.
Có một điểm quan trọng đó là bóng tối và ánh sáng không thể tồn tại tách rời nhau. Chúng ta chỉ có thể thưởng thức vẻ đẹp của ánh sáng nhờ vào bóng tối và ngược lại. Không có một vùng tối toàn diện nơi người ta không thể nhìn thấy gì, như nhận định nghiêng về tâm lý học của nhà nghiên cứu Van Essen trong tài liệu Étude psychophysiologique sur l'obscurité (Nghiên cứu tâm sinh lý về bóng tối)4. Theo Van Essen, bóng tối được xem là một phạm trù thị giác mà trong đó chúng ta vẫn có những trải nghiệm khả kiến. Không tồn tại một vùng mù hoàn toàn trong không gian vật lý, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng mờ và một vài đường nét trong vùng tối. Ông cho rằng bóng tối đem đến cho chúng ta sự khơi gợi từ bên trong (internal stimulation). Không gian tối cho chúng ta những điểm nhìn vừa đủ nơi đầu óc ngập tràn trong sự tưởng tượng và tò mò, nó mở ra một không gian của sự suy tưởng nơi gặp nhau giữa trải nghiệm tâm lý và vật lý. Điều đó cho thấy một khả năng trong việc trải nghiệm kiến trúc thông qua bóng tối và ánh sáng. Ánh sáng chỉ được thưởng thức một cách trọn vẹn khi đắm chìm trong bóng tối. Pavilion tại Serpentine (**) do KTS Peter Zumthor thiết kế có thể xem là một nơi mà khách tham quan thưởng thức ánh sáng nhờ vào bóng tối. Tâm điểm của toàn bộ công trình là khu vườn nhỏ tràn ngập ánh sáng nằm ở trung tâm. Toàn bộ khu vườn được bao quanh bởi một khối kiến trúc thấp tầng màu đen, nơi tạo ra một vùng tối hoàn hảo. Để đến với khu vườn tràn ngập ánh sáng, người tham quan phải đi qua hành lang tối, giúp đôi mắt được dịu đi trước khi bước vào vùng sáng tâm điểm chính của công trình. Khu vườn bên trong nơi ánh sáng mặt trời chiếu lên các tán cây và cắt hình rõ nét trên vùng tối được tạo ra bởi hàng hiên và những bức tường màu đen của công trình. Thưởng thức khu vườn của Peter Zumthor, người ta sẽ trầm trồ với vẻ đẹp của cây cỏ và ánh sáng, nhưng cũng nên nhớ rằng mảnh vườn này chỉ trở nên đặc biệt nhờ bóng tối xung quanh nó.
Không giống như việc đảm bảo tiện nghi nhìn trong trường học hay nhà xưởng, thưởng thức ánh sáng là cảm nhận vẻ đẹp của ánh sáng bên trong bóng tối. Chúng ta có thể hình dung rõ nhất về điều này khi liên tưởng đến không gian khán phòng, vào lúc màn trình diễn bắt đầu, mọi thứ chìm trong bóng tối chỉ còn lại một vài luồng sáng có chủ đích. Thiết kế ánh sáng trong kiến trúc có thể xem là bài toán của việc sắp đặt bóng tối. Người ta chỉ có thể nhìn thấy luồng sáng thần thánh bên trong vương cung thánh đường nhờ vào vùng tối bên trong gian cung thánh. Và những công trình kiến trúc của ánh sáng kỳ thực lại đến từ thủ pháp tạo ra bóng tối, như nhà thờ ánh sáng của KTS Tadao Ando. Với công trình này, vẻ đẹp ánh sáng chỉ hiện ra nhờ vào bóng tối bên trong nhà nguyện. Ngay cả với chiếu sáng nhân tạo, những tòa nhà chỉ thực sự nổi bật khi phía sau là một bầu trời đêm hoàn hảo.
Trong một số hoàn cảnh, bóng tối có thể khiến con người e sợ, dù vậy cũng không thể phủ nhận vai trò của bóng tối đối với con người. Chúng ta làm việc nhờ ánh sáng và nghỉ ngơi nhờ bóng tối. Trong khi ánh sáng giúp đôi mắt nhìn rõ ràng và phân biệt cụ thể các sự vật, thì bóng tối lại đánh thức những rung động và cảm xúc bên trong của con người. Chúng ta không thể thưởng thức ánh sáng nếu thiếu đi bóng tối.
Bài viết được đăng trên tạp chí kiến trúc Nhà Đẹp số tháng 12-2022
Cảm ơn bạn đã dành thời gian. Subscribe (free) để khi có bài thì substack sẽ tự động gửi bản đầu tiên ngay qua e-mail của bạn.
Chú thích
(*) Lux (lx) là đơn vị đo độ rọi, thường được dùng trong thiết kế chiếu sáng. Độ rọi là độ sáng của một nguồn sáng tại một khu vực nhất định
(**) Serpentine là cụm phòng triển lãm nghệ thuật tại công viên Hyde, London. Vào mỗi năm, kể từ năm 2000, Serpentine sẽ mời các kiến trúc sư hàng đầu thiết kế một pavilion trong khuôn viên. Pavilion của KTS Peter Zumthor được dựng vào năm 2011 tại Serpentine.
Defrance Eugène. (1904). Histoire de l'Éclairage des rues de paris. Imprimerie nationale. Trang 35
Steinbach, R., et al. (2015). The effect of reduced street lighting on road casualties and crime in England and wales: Controlled interrupted time series analysis. Journal of Epidemiology and Community Health, 69(11), trang 1118–1124
Schielke, T. (2013, August 23). Light matters: Recovering the dark sky. ArchDaily. Truy cập vào ngày 16 tháng 11, 2022.
Narisada, K., & Schreuder, D. (2004). Light pollution handbook. Springer. Trang 35