Màu sắc và kiến trúc - từ đoạn tuyệt đến tái hợp
IFC one Saigon một tòa tháp 45 tầng được hoàn thiện lại mặt đứng sau hơn 11 năm tạm dừng, đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Khác với hầu hết các tòa nhà biểu tượng tại TP. HCM, IFC one Saigon là một tòa tháp được hoàn thiện với mặt đứng có màu chuyển dần từ đỏ sang vàng dọc theo chiều cao tòa nhà. Bộ mặt mới của tòa tháp văn phòng này cho thấy ứng dụng của màu sắc trong kiến trúc đương đại không chỉ gói gọn ở các công trình cho giới trẻ, nhà mẫu giáo hay nhà thể thao. Những tòa tháp văn phòng sang trọng không nhất thiết phải khẳng định mình bằng màu xám lạnh của thép và kính hay màu đơn sắc của đá cẩm thạch.
Trong suốt chiều dài lịch sử, mối quan hệ giữa màu sắc và kiến trúc có lúc gần như đoạn tuyệt, nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau, màu sắc luôn trở lại với những nơi chốn hiện diện con người. Kiến trúc đương đại cùng với sự hỗ trợ của công nghệ đã tái khẳng định vai trò của màu sắc trong kiến trúc.
Một thế giới trong tâm tưởng
Màu sắc đồng hành cùng con người xa xưa trong những nỗ lực mô tả thế giới tinh thần. Chúng đóng vai trò như sợi dây liên kết giữa đời sống trần tục và thế giới tâm tưởng huyền ảo.
Những bức tranh vẽ động vật bằng đất son vào thời kỳ đồ đá cũ được tìm thấy tại hang động Lascaux, Pháp, cho thấy từ rất sớm con người cố gắng sử dụng những chất liệu sẵn có trong tự nhiên tạo ra màu sắc để diễn đạt suy nghĩ và hình ảnh lưu giữ trong tâm trí. Việc dùng màu sắc làm từ những khoáng vật thiên nhiên cũng tạo ra sự phân tầng xã hội thông qua kiến trúc và hội họa, khi mà nhiều nguyên liệu quý được sử dụng trang trí không gian đền thờ, cung điện như một cách khẳng định về sự giàu có và địa vị. Chẳng hạn như vào thời Trung Cổ, màu lam sẫm (Ultramarine blue) được sản xuất bằng cách nghiền đá Lapis Lazuli quý hiếm chỉ tìm được ở một vài mỏ đá tại Afghanistan lúc bấy giờ. Vì sự hiếm có này nên vào thời ấy, các danh họa tạo ra hoặc nhà bảo trợ sở hữu những tác phẩm sử dụng màu Ultramarine thể hiện sự giàu có cũng như mức độ bảo trợ của họ 1.
Sơn son cũng là một ví dụ của việc màu sắc đóng vai trò phân cấp xã hội, khi mà việc khai thác bột Thần Sa (cinnabarit) rất khó khăn và nguy hiểm. Chỉ các công trình phủ, điện của giới quyền quý mới có khả năng sử dụng Thần Sa để tạo thành chất son đánh với sơn ta cho ra lớp phủ màu đỏ đặc trưng của công trình, kết hợp với phương pháp thếp lá vàng tạo ra tổ hợp sơn son thếp vàng. Điều này mở ra một khung cảnh nơi mà các phủ, điện, đền đài trở nên sặc sỡ còn những ngôi nhà bình dân thì kém trang trí, chỉ có vẻ thô mộc của vật liệu và gần như đơn sắc.
Từ đoạn tuyệt đến tái hợp
Trái với quan niệm về cái đẹp “vàng son” ở phương Đông, các công trình kiến trúc phương Tây dần trở nên đơn sắc, đặc biệt từ cuối thời kỳ kiến trúc Gothic và đầu thời kỳ Phục Hưng. Đây cũng là thời điểm các kiến trúc sư quay về với vẻ đẹp cảm hứng từ tàn tích kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại. Có thể nói, nền móng của kiến trúc Phục Hưng đã được xây dựng một phần từ các phế tích đã phai màu. Các chi tiết kiến trúc Hy Lạp mất lớp màu phủ chỉ còn lại đá cẩm thạch trắng hiển lộ rõ kích thước và tỉ lệ, chúng được các kiến trúc sư lúc bấy giờ đề cao như chuẩn mực của vẻ đẹp. Nét đẹp đơn sắc này ảnh hưởng sâu rộng tới cả thời kỳ Tân Cổ Điển về sau. Ngay cả khi khi vẻ ngoài đa sắc (polychromatic) của kiến trúc Hy Lạp cổ đại đã được các nhà khảo cổ tái dựng, các kiến trúc sư Tân Cổ Điển của thế kỷ 19 vẫn vẽ ra các công trình kiến trúc kiểu Hy Lạp cổ đại với màu trắng xám của vật liệu 2. Vẻ ngoài đơn sắc này, lúc bấy giờ, được các nước phương Tây đưa đến nhiều vùng thuộc địa và có tác động vượt ra khỏi phạm vi châu Âu.
Cho đến thời kỳ kiến trúc hiện đại, tính đơn sắc trong kiến trúc lại càng trở nên triệt để hơn với các công trình như những khối hộp màu trắng hoặc màu xám xanh lạnh lùng của thép và kính. Việc màu sắc được gắn liền với tính trang trí trong một thời gian dài có lẽ đã đẩy sự loại bỏ màu sắc ra khỏi kiến trúc lên một mức độ cao, nhất là khi kiến trúc Hiện Đại thoát ly khỏi việc trang trí. Các công trình Chủ nghĩa Quốc tế gần như loại bỏ những yếu tố gắn liền với bản địa-đặc biệt là màu sắc tự nhiên. Kiến trúc sư César Pelli người thiết kế tháp đôi Petronas nổi tiếng của Malaysia đã kể lại như sau: “Khi còn là một sinh viên kiến trúc ở Tucuman, Argentina, tôi đã được học rằng kiến trúc Hiện đại chuẩn mực, không được có màu sắc ngoại trừ màu sắc của vật liệu tự nhiên, màu trắng hoặc màu xám-bất cứ thứ gì khác đều phù phiếm hoặc suy đồi.”3
Sự tái hợp của kiến trúc và màu sắc có lẽ đến từ việc xuất hiện các lý thuyết về màu chỉ ra sự liên kết giữa màu sắc và sinh lý học (Physiological), chẳng hạn như lý thuyết của Wolfgang von Goethe (1810) và Wassily Kandinsky (1912). Các tài liệu đã chứng minh màu sắc không chỉ đơn thuần có vai trò trang trí mà còn ảnh hưởng đến cách cảm nhận của con người về không gian và tác động đến tâm lý.
Trên phương diện thực hành, sự kết hợp giữa kiến trúc sư và các nghệ sĩ đã phần nào đưa màu sắc trở lại với kiến trúc. Chẳng hạn như sự phối hợp giữa kiến trúc sư Walter Gropius với họa sĩ Hinnerk Scheper trong công trình trường Bauhaus. Tại đây, các dải màu được thêm vào với chủ ý nhấn mạnh các chi tiết kết cấu, dẫn hướng chuyển động và tạo chiều sâu cho không gian.
Một trường hợp khác là Auerbach House (1924), một ngôi nhà do KTS Walter Gropius cộng tác với KTS Alfred Arndt thiết kế. Ngôi nhà được hoàn thiện bởi ba mươi bảy màu khác nhau. Các màu sắc được sắp đặt nhằm tăng cảm giác về không gian trong kiến trúc. Chẳng hạn ở khu vực cầu thang, Arndt đã làm nổi bật chân tường, sườn thang và lan can bằng một màu tương phản với các mảng tường liền kề, qua đó tạo ra một hiệu ứng thị giác nhấn mạnh chiều sâu của không gian và dẫn hướng chuyển động. Len chân tường, sườn thang được sơn màu xám kết hợp với tay vịn màu đỏ gạch và những bức tường cam đào nhạt đã hút mắt người nhìn men theo cầu thang và đi dần lên trên dù chưa có bất kỳ chuyển động cơ thể nào4.
Le Corbusier một kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hiện đại cũng đã thay đổi quan điểm và đề cao vai trò của màu sắc trong kiến trúc, khi mà ông đã dành một chương trong cuốn khảo cứu cho triển lãm của Pavillon des Temps Nouveaux (1937) để đề cao màu sắc. Chương sách đã được Le Corbusier đặt nhan đề “niềm vui đa sắc” (Polychromy Joy), trong đó ông xem màu sắc như một đại diện về sự sáng tạo giàu sức sống trong kiến trúc, đối trọng với màu xám u buồn của Chủ nghĩa hàn lâm 5. Vẻ đẹp lạnh lùng, uy nghiêm của ánh sáng và hình khối trong kiến trúc Hiện đại thường được nêu ra như nguồn cảm hứng về cái đẹp cho nhiều thế hệ. Nhưng có lẽ màu sắc, dù ít được nhắc tới, song cũng là một phần không thể thiếu của kiến trúc Chủ nghĩa Hiện đại và kiến trúc nói chung.
Câu chuyện của thế giới mới
Trong khi màu sắc của kiến trúc xa xưa đóng vai trò nuôi dưỡng đời sống tâm linh và phân cấp bậc xã hội, còn màu sắc của kiến trúc Hiện đại là kết quả của những nghiên cứu khoa học thực chứng, thì với kiến trúc đương thời, màu sắc phủ bóng bởi kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Màu sắc như công cụ để thương hiệu và các quốc gia định vị mình giữa một thế giới ngày càng mở rộng.
Tại hội chợ triển lãm thế giới EXPO 2010, nước chủ nhà Trung Quốc đã giới thiệu một kiến trúc cao 139.8 mét, là điểm nhấn chính cho toàn bộ triễn lãm. Điều đặc biệt là toàn bộ kiến trúc này được hoàn thiện bằng màu đỏ son thường thấy trong kiến trúc và đồ thủ công Trung Hoa, như một cách nhận diện quốc gia thông qua màu sắc.
EXPO hay World Expo là hội chợ triển lãm thế giới thường được tổ chức 5 năm một lần. Nhiều công trình được giới thiệu tại các Expo đa trở thành các tác phẩn kiến trúc nổi tiếng chẳng hạn như German Pavilion do KTS Ludwig Mies van der Rohe cho Expo 1929 tại Tây Ban Nha. Tháp Eiffel tại Paris cũng được nước chủ nhà Pháp xây dựng phục vụ cho Expo tại Paris năm 1889.
Ở chiều ngược lại, khi thị trường rộng mở thông qua toàn cầu hóa, các thương hiệu quốc tế cũng tìm cách đưa những chi tiết màu sắc đi theo các câu chuyện bản địa nhằm tạo sự gần gũi với các nhóm khách hàng mới. Chẳng hạn như cách mà nhãn hàng xa xỉ Louis Vuitton thêm vào cửa hàng tại Trung Quốc các chi tiết đuôi hổ với hai màu vàng cam để chào năm mới Nhâm Dần.
Việc đưa màu sắc vào trong công trình kiến trúc không phải là chuyện đơn giản khi mà các thiết kế đơn sắc và vẻ đẹp công nghiệp lạnh lùng vẫn còn có ảnh hưởng lớn đến thị hiếu đương thời. Dù vậy vẫn có cơ sở để kiến trúc đa sắc tìm lại vai trò của mình khi mà nhu cầu tìm kiếm bản sắc ngày càng trở nên thiết thực giữa một thế giới đang dần mở rộng. Kiến trúc bản địa đa dạng và nhiều màu sắc có thể xem là một kho tàng với nhiều bài học giá trị chờ đợi các thế hệ nghệ sĩ và kiến trúc sư trong nước tái khám phá.
Gombrich, E. H. (2022). The story of art. Phaidon Press.
Caivano, J. (2006). Research on color in architecture and environmental design: Brief history, current developments, and possible future. Color Research &Amp; Application, 31(4),Trang 352-356.
Caivano, J. (2006)
Barnstone, D. (2022). The Color of Modernism. London, United Kingdom: Bloomsbury Visual Arts.Trang 120
Caivano, J. (2006)